bet365 football - Nền tảng chính thức

   
Tin tức

Chuyện nhỏ về một người thầy lớn

Thứ hai - 09/02/2015 04:37
Chuyện nhỏ về một người thầy lớn
Chuyện nhỏ về một người thầy lớn

PGS.NGƯT Trần Đình Hượu (1926 - 1995)

1.Tôi đang hùng hục chạy trên sân đá bóng thì anh Vương (GS Trần Ngọc Vương) vẫy ra. “Sáng mai Vĩ đi với mình qua Gia Lâm. Nóng ruột quá. Nhà cụ Hượu dột hết rồi, sách vở ướt hết cả. Toàn sách quý thôi. Mình mượn được cái xe đạp của Tuấn (nhà thơ Đỗ Minh Tuấn) rồi. Dói nhà được chứ?”.

Đó là mùa đông 1974. Chúng tôi rời kí túc xá Mễ Trì lúc 5h sáng. Chiếc xe đạp ọt ẹt cõng chúng tôi theo đường qua cầu Long Biên mù sương. Hai đứa thay nhau đạp. Đường đê tả Hồng uốn lượn miên man dưới mây thấp xầm xì. Trời trong quê tôi chả mấy khi nặng mặt đến thế. Qua Châu Quỳ thì đến ngôi nhà tranh đúng nghĩa của nó, nằm ké bên vườn một nhà khác. Ngôi nhà thật giống ba gian tản cư nhà tôi ra bãi hồi bom Mĩ 1966. Tôi từng học với những người thầy mà  cuộc đời được chắp nối bằng những cuộc tản cư bất tận. Thầy cô chống rèm đón hai đứa. Một dẫy các giá sách, chỗ tre đòn chỗ ván tạp, võng cả xuống, trùm lên là chiếu và bao tải dứa. Những gáy sách tiếng Nga sang trọng lấp ló. Tôi ngẩng nhìn. Đâu chỉ có dột. Rui mè dây lạt đã gãy nát, xô dồn hết. Mái rạ sụt từng mảng. Nhìn qua cửa sổ, tôi hỏi: “Bụi tre đó của nhà ai? Xin mấy cây được không?”. “Được! Bà con cả mà”. “Trong làng có rơm rạ gì không, cô đi xin cho em vài gánh”. “Nhưng làm sao?”. “Không dói được nữa đâu thầy ạ. Lợp lại thôi. Em làm được”. Thoáng nghi ngờ nhưng thầy cũng nhờ cô đi xin rơm rạ. Tôi lấy con dao phi ra bụi tre chọn chặt ba cây kéo vào sân. Hai cây già chẻ rui mè, một cây bánh tẻ pha lạt. Đoạn, tôi leo lên mái và hất tất rạ rơm cũ xuống, nhờ anh Vương ôm thành đống để tận dụng lại. Té ra dân bắc họ tủ nhà rất tạm bợ, không cẩn thận như vùng quê lắm bão nhà mình. Mái sau chốc đã sáng choang. Ngó xuống thấy thầy đi lại ra chiều lo lắng. Vương một gian, tôi một gian thoăn thắt buộc những nẹp tre vào hàng lối. “Nhà ngói thì đanh, nhà tranh thì lạt”, buộc xong vào là vững, đi lại trên mái vô tư. Rơm cũng vừa được xin về. Tôi tủ rơm theo từng khoảnh, ưu tiên rơm mới cho gian ngoài, chỗ giường nằm và giá sách. Đến trưa thì  mái sau đã chạm mè bó nóc. Chúng tôi tụt xuống ăn cơm. Ánh trời từ nóc chiếu sáng mâm bát. Đó là bữa cơm tôi nhớ đời. Chưa bao giờ ngon đến vậy. Cô hầm khoai tây và chân giò, cà chua đỏ lựng, lại có cả cần tây thì phải. Cô ưu tiên gắp cho tôi một cục chân giò to bằng quả chén tống, vuông vắn, dày dặn. Cắn bụp một phát ngập chân răng. Trời ơi! Lần đầu tiên trong đời tôi biết đến có thứ ngon đến thế. Nhớ đến bây giờ. Thầy cười: “Yên tâm rồi, lúc nãy thấy cậu trèo lên, đạp mái xuống, tớ hoảng quá, nghĩ bao giờ mới xong, định kêu thêm người. Mái trước thì sao?”. “Thầy yên tâm”, tôi vừa lùa bát cơm thứ sáu vừa nói. Chén đẫy, buổi chiều làm còn nhanh hơn. Tôi bó nóc rất cẩn thận. Nhà dột từ nóc mà lại. Hoàng hôn là ổn. Một ấm nước chè hai hào có bỏ hoa nhài ấm cúng. Lúc này, thầy ngồi vui chuyện:

- Các cậu tài thật. Tớ chả biết làm gì hết đo. Lớn lên, làng nuôi cho vào Huế ăn học để sau này hi vọng “một người làm quan cả họ được nhờ”. Chỉ biết học thôi. Chả biết gì tranh tre nứa mét. Nhà nho xưa tớ kể chuyện này. Thầy nhà mình và thầy ông Cẩn (GS Nguyễn Tài Cẩn) là chỗ quen thân. Các cụ thăm nhau, mình phải hầu trà. Nhà dột chỗ này, các cụ xịch mươn ra chỗ khác. Nó lại dột chỗ mới, các cụ lại xịch sang chỗ nữa. Lại dột, lại xịch, chạy bò quanh. Ờ nhỉ, quanh năm thế. Sao không che đi một chỗ hoặc bỏ ra một ngày là xong như hôm nay nhỉ. Nhà nho nó như vậy đấy các cậu ạ. Khổng Tử đi dạy rong, thấy dưới ruộng bên đường có thằng nông phu nó buộc gầu tát nước rất dẻo và khỏe. Học trò trầm trồ khen. Tử viết: “Cơ trí thì cơ tâm vậy”. Hình như đạo nho nó ghét khoa học thực hành. Khà khà khà…

Chúng tôi ra về, đoạn dắt đoạn đạp trong đêm để sớm mai đi học.

PGS.NGƯT Trần Đình Hượu  và các thế hệ học trò

2. Bẵng đi, cuối năm 1975, tôi nhận đề tài niên luận với GS Bùi Duy Tân để làm về Nguyễn Trãi. Một trưa đang đánh bóng nơi bàn đá dưới gốc rặng nhãn thì thầy Tân thò cổ từ gác xép tầng 3 dẫy nhà trước gọi: “Ê! Ê! Thằng lùn lùn kia! Lên đây!”. Tôi bỏ vợt mò lên. Thầy mắng: “Bẻ bóng bàn ra mà ăn à! Đọc sách đi chứ. Mai đi thư viện Quốc gia. Giấy giới thiệu đây. Vào phòng tư liệu đặc biệt mà xin đọc”. Loay hoay, thầy rút ra 2 đồng: “Tiền tàu điện đây! Quân phố phường, trốn vé nó vừa vừa”. Tôi chỉ biết run run nhận lấy. Lúc đó thầy tôi lương cùng lắm là 75 đồng thôi, lại một bè gia cảnh. Anh chị tôi ở Hà Nội, một tháng chắt bóp cho cậu 5 đồng là gắng lắm rồi.

Tôi ra ngồi thư viện, tàu điện có khi đi hơn một tiếng mới tới, có hôm đãi bạn kẹo dồi, tôi trốn vé hoặc đi bộ từng chặng cũng qua 10 cây số. Thật may, trong tài liệu bet365 football Triết học in ronéo năm 1965, có bài “Nguyễn Trãi” của thầy Trần Đình Hượu. Đó là khai mở mênh mang cho tôi nhận ra con đường mình phải đi. Phần mở đầu trong bài đó, thầy viết đại ý: Những gì ta biết hiện nay về Nguyễn Trãi chỉ là những ốc đảo, những chỏm núi nhô lên sau một lần biển tiến. Trong lúc đó, chúng ta lại kì vọng nghiên cứu cả địa mạo của nó thì thật sự là khó khăn. Điều này tùy thuộc nhiều vào cách tiếp cận liên ngành và đồng bộ và khách quan.

Tôi ý thức rằng, công việc khoa học là rất nghiêm túc và gian lao chứ không như làm thơ hay nói chuyện rải. Quá khứ bào giờ cũng đến với ta qua nhiều lần biển tiến: chiến tranh, phủ định và đặc biệt là định kiến. Đọc được cái “SỬ THỰC” là rất khó khăn. Học bài giảng và chuyên đề của thầy, tôi cố gắng ghi chép, ghi nhận, tranh thủ hỏi han những gì mình chưa biết. Nhà thầy vẫn ở xa quá, tôi không thể sang được.

Năm 1976, tôi tiếp tục khóa luận năm thứ ba về Nguyễn Trãi. Lúc này, nhà thầy đã chuyển về Lò Đúc, ở trong một phòng nhỏ khoảng 12 mét vuông. Tôi ra thỉnh giáo thêm ở thầy về hướng tiếp tục của mình. Thầy hướng dẫn tôi vẫn là GS Bùi Duy Tân. Lúc này, giữa tôi và thầy Hượu đã thân mật hơn vì biết thầy là bạn thân với thầy giáo cấp 3 của tôi là thầy Đặng Luyện, người coi tôi cũng như con. Thầy Hượu phả một hơi thuốc lào nghi ngút và đột ngột hỏi: “Vĩ này, tôi hỏi nha, cậu đọc triết học có vào không, thấy như thế nào?”. Tôi hồn hậu trả lời: “Em thấy đọc triết thì cũng như đọc tiểu thuyết thôi, hiểu cả!”. Thầy cười vang cả nhà. Sau đó, với tay lên giá sách, rút ra một tệp mỏng chép tay, nói: “Đọc cái này đi. Tớ ra phố mua gói thuốc lào”.

 Tôi đọc nhanh. Đó là một chương dịch “Phương Tây và Phương Đông” của Conrad. Đọc xong thì vừa thầy về. Thầy ngồi xuống hỏi thấy thế nào. Tôi cứ thế mà phô ông ấy viết những gì, những gì, ông ấy quan niệm ra sao, ra sao, mình học ông ấy được cái gì… Thầy thoáng hài lòng, nói: “Thế là hiểu thật. Nói thật với Vĩ, dạy thì dạy vậy nhưng mình không tin sinh viên lại hiểu những gì mình nói đâu. À, té ra là sinh viên cũng hiểu những gì mình nói đấy chứ! Trong lớp cậu, bao nhiêu người đọc sách”. “Thư viện cho mượn mỗi sinh viên một tuần 12 quyển ạ. Cũng nhiều bạn ham lắm”. “Khá thế cơ à? Thế thì tốt quá nhỉ, hồi sơ tán không được thế đâu, ít đọc lắm”. Thầy cầm lại tệp tài liệu, nâng nâng trên tay như xem nặng nhẹ rồi đột ngột đưa ra: “Tặng cậu. Tớ có bản đánh máy rồi. Tư liệu khoa cũng có rồi. Cầm lấy về đọc cho kĩ”.

 Món quà bất ngờ ấy, tôi giữ đến hôm nay qua thời đói kém hậu chiến, nhiều lần chuyển chỗ ở, xây nhà sửa nhà các kiểu. Nét chữ của thầy tôi gầy guộc, khắc khổ. Mồ hôi của thầy tôi như còn mặn trên trang giấy “bảy hào hai” năm xưa. Trí tuệ của thầy tôi lấp lánh trền từng con chữ dịch thuật.

Cả năm 1977, dưới sự hướng của GS Bùi Duy Tân, tôi tiếp tục làm tiếp về Nguyễn Trãi để hoàn thành luận văn tốt nghiệp đại học. Tôi qua lại nhà thầy Hượu, thầy Phan Đại Doãn nhiều hơn. Một bên về tư tưởng, một bên về lịch sử, lại đều là người “quê ta”. Tôi cũng tranh thủ có dịp là đi Thường Tín, Côn Sơn, Lam Sơn, Lam Thành, Vụ Quang… nhiều lúc xin ăn như một hành khất đích thực, lọ mọ, đói khổ.

 Khi bản thảo đã hoàn thành, ngoài đưa cho anh Trần Ngọc Vương đọc trước và sửa cho những chỗ “ngớ ngẩn” theo cách nói của anh, thì tôi vác quyển ra nhà thầy. Thầy đọc chăm chú ngay trước mặt và nói luôn: “ Lạ nhỉ?  Đến nay,tôi chưa thấy ai gọi Nguyễn Trãi là “Nhà văn hóa” cả. Sao cậu lại dám viết thế? Bỏ đi!”. Tôi thưa: “Thầy Tân cũng nói với em như vậy, người ta gọi cụ Trãi với đủ thứ “Nhà” nhưng “Nhà văn hóa” thì chưa, xem lại đi… nhưng em thấy…”. Vì lúc này đã quen thân nên tôi mạnh dạn tràng giang đại hải về quan niệm của mình. Cuối cùng, tôi nói: Nguyễn Trãi còn là Nhà Nông, lão nông tri điền lắm đấy thầy ạ. Tôi lôi mấy câu thơ Nguyễn Trãi ra bình: “Một cơm hai việc nhiều người muốn/ Hai thớ ba ròng họa kẻ tham” nó là thế nào với cuộc sống nông thôn. Rồi “Ruộng nương là chủ người là khách” là như thế nào với kinh nghiệm nông nghiệp. Thầy cứ ngồi: “Thế a! Thế a! Ai bảo cậu vậy?” (Sau này, khi trình bày điều gì với GS Hoàng Ngọc Hiến, tôi thấy hai cụ rất giống nhau ở chỗ cứ “Thế a, thế a, thật thế a”). Cũng may là đến năm 1980, UNESCO công nhận Nguyễn Trãi là Nhà Văn hóa thế giới.

Đến khi bảo vệ, thầy rất khen tôi cái thái độ dám bảo vệ ý kiến của mình.

Học trò chúc mừng PGS.NGƯT Trần Đình Hượu  (Thứ 4 từ trái sang)

3. Năm 1978, tôi ở lại trường nghiên cứu và giảng dạy, nhưng không làm phần văn học trung đại mà được chuyển sang phần văn học dân gian. Tôi lại đến với thầy hỏi ý kiến. Thầy khuyên rất rõ ràng:

- Thứ nhất, cậu làm Thái đi. Làm Chàm thì lắm chuyện, làm Khơ Me thì xa xôi, làm Mường thì anh Từ Chi làm tốt rồi, không nên đánh đu với tinh tinh. Thái quan trọng lắm, dân số Kinh chỉ bằng hai phần ba họ thôi, không gian họ là phần chiến lược của Đông Nam Á, ngày xưa tỏa rộng từ Miến đến Đài đấy. Họ cũng là một nguồn cội quan trọng đặc biệt của ta đấy, Kinh đấy. Không đùa được đâu, vật đổi sao dời lắm chuyện lắm cậu ạ. Tôi nhắc lại là rất chiến lược. Tôi sẽ giới thiệu cậu với anh Đặng Nghiêm Vạn, anh ấy dạy học trò trường Dân tộc trung ương nên có lắm tư liệu.

- Thứ hai, không được học cách làm việc của mình.Mình viết kiểu tích lũy, trải nghiệm rồi thăng hoa. Không phải là dân làm tư liệu, cách làm “kế toán” như cụ Hoàng Xuân Hãn dạy. Các cậu theo kiểu của mình lấy đâu ra trải nghiệm nên dễ sa vào tư biện lắm đấy. Trong ta gọi là “nói non”. Hãy theo anh Cẩn, anh ấy kĩ lắm, đo đếm cụ thể, rõ ràng từng li từng tí. Bỏ công khảo tư liệu, khảo xong là có một bài, tự tư liệu cẩn thận nó thuyết phục người ta. Thế là có cái để dạy. Ít biện luận đi, con dao hai lưỡi là biện luận thiếu chín chắn.

Tôi không theo Thái được vì qua mấy đợt điền dã núi non, nhịn đói nhịn khát không chịu nổi. Cái nghèo hậu chiến nó trói con người ta. Áo quần còn không có mà mặc nữa là. Tôi khảo tư liệu vậy. Nghe thầy được một nửa mà thôi.

Năm 1980, hay tin tôi định về quê lấy vợ, thầy cho gọi ra. Lần này là lời dạy của một ông bố: “Tôi nghe chuyện rồi, có hai điều tôi nói thật là không nên, không được.

Một, cậu định lấy người ta về để chăm ông bà già phải không? Thế là thiếu nhân đạo. Người phụ nữ không phải là nô lệ cho anh sử dụng, họ vốn khổ lắm rồi. Lấy vợ để người ta “cày cấy mà nuôi mẹ già” là ích kỉ, là làm người ta khổ thêm. Một kì cậu về nhà được mấy lần, họ thì chăn đơn gối chiếc đến bao giờ. Đưa ra đây cậu không đủ sức.

Hai, thế hệ chúng mình vợ chồng xa nhau là do hoàn cảnh. Ngấm lắm rồi, không làm được cái gì ra hồn đâu. Các cậu đừng lặp lại. An cư mới lạc nghiệp. Phải lấy người ngoài này, no đói có nhau, giúp nhau mà làm việc. Chả mấy chốc mà già đâu.

Tôi ngồi lặng lẽ và nghĩ, may cũng chỉ mới là ý định mà thôi. Khi thầy dặn tôi là năm thầy 53 tuổi. “Chả mấy chốc mà già đâu”. Năm nay tôi đã tròn 60 rồi. Thầy ơi, con viết được gì thì đã không còn cơ hội để khoe thầy nữa. Nhiều lúc có cảm giác như kẻ mồ côi trong xã hội kim tiền lên ngôi này. Nhớ thầy quá.

Hà Nội 29-1-2015.

(ảnh sưu tầm trên mạng)

Tác giả: Nguyễn Hùng Vĩ

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây