Ngôn ngữ
1. Hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển Trường và Chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hoàn thành xây dựng Đề án vị trí việc làm
Chiến lược đề ra những định hướng phát triển căn bản cho Nhà trường trong thời gian tới, nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của trường đại học khoa học cơ bản trong đào tạo, nghiên cứu về KHXH&NV của cả nước; hướng tới xây dựng một trường đại học nghiên cứu đa ngành và liên ngành, đạt trình độ khu vực và quốc tế.
2. Cán bộ có học vị tiến sỹ đạt 51%, cán bộ có học hàm giáo sư và phó giáo sư đạt 25% tổng số cán bộ giảng dạy
Trong năm 2014, Trường có thêm 17 cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, 14 giảng viên được bổ nhiệm các chức danh GS và PGS. Số giảng viên đạt trình độ SĐH là 329/365 (chiếm hơn 90%), trong đó có 181 TS (chiếm 51%), 06 GS và 84 PGS (chiếm 25%). Đây là một tỷ lệ cao phản ánh sự phát triển vượt bậc về chất lượng đội ngũ cán bộ.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức (trái) và PGS.TS Nguyễn Văn Kim (phải) tặng hoa chúc mừng các nhà giáo vừa được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo Ưu tú năm 2014
3. Hoàn thành Đề án Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của Trường đến năm 2020. Tiếp tục triển khai nhiều CTĐT liên kết quốc tế
Theo đó, đến năm 2020, Trường có 38 chuyên ngành ĐT thạc sỹ và 32 chuyên ngành ĐT tiến sỹ. Dựa trên khảo sát cụ thể về nhu cầu xã hội và năng lực đào tạo của từng đơn vị, Đề án đặt ra lộ trình xây dựng các ngành, chuyên ngành ĐT mới nhằm đảm bảo sự phát triển hợp lý và bền vững của Trường trong tương lai.
Bên cạnh đó, Trường tiếp tục triển khai các CTĐT liên kết quốc tế có uy tín như: Thạc sỹ Tâm lý học Phát triển trẻ em và thanh thiếu niên, Thạc sỹ Quản lý hành chính Công và doanh nghiệp (với ĐH Toulouse II, Cộng hoà Pháp), Thạc sỹ Quản trị truyền thông (với ĐH Stirling, Anh)…
Toàn cảnh hội thảo Quản trị truyền thông và giới thiệu chương trình đào tạo liên kết Thạc sĩ Quản trị truyền thông với ĐH Stirling (Anh)
4. Hoàn thành đánh giá chương trình cử nhân ngành Ngôn ngữ học theo chuẩn của Hiệp hội các trường ĐH Đông Nam Á (AUN)
Với sự kiện này, Trường ĐHKHXH&NV đã tiến một bước trong hoạt động đánh giá bài giảng của giảng viên và kiểm định chất lượng ĐT theo chuẩn khu vực và quốc tế. Hiện nay, hoạt động kiểm định chất lượng và văn hoá chất lượng đã trở thành những yếu tố không thể thiếu trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Trường.
5. Thí điểm tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực hệ đào tạo chất lượng cao, các CTĐT đẳng cấp quốc tế và chuyên ngành Thạc sỹ Công tác xã hội.
Trường ĐHKHXH&NV lần đầu tiên thí điểm tuyền sinh theo phương thức đánh giá năng lực trong năm 2014. Cách thi này đảm bảo đánh giá năng lực tổng hợp của thí sinh một cách chính xác, toàn diện; đồng thời thúc đẩy đổi mới dạy và học theo hướng nâng cao chất lượng và phát huy khả năng sáng tạo của người học. Dự kiến, cách thi này sẽ được triển khai chính thức trong năm 2015.
Sinh viên đang tham gia phương thức đánh giá năng lực
6. Xây dựng một số chuyên ngành đào tạo mới về Tôn giáo học, Quan hệ quốc tế, Việt Nam học, Lịch sử tôn giáo Việt Nam…
Trường tiếp tục tục thể hiện vai trò tiên phong trong việc mở các ngành, chuyên ngành mới phục vụ nhu cầu xã hội trên nền tảng các ngành khoa học cơ bản mạnh của Trường. Đến này, Trường có 22 ngành ĐT cử nhân, 57 chuyên ngành ĐT thạc sỹ và tiến sỹ.
7. Tổ chức trao bằng tiến sỹ do Hiệu trưởng ký
Nghị định mới của Chính phủ về ĐHQGHN (11/2013) đã trao thêm nhiều quyền tự chủ cho các đơn vị thành viên, trong đó Hiệu trưởng các trường thành viên có quyền cấp và trao bằng tiến sỹ cho các NCS hoàn thành khoá học theo yêu cẩu của Nhà trường và ĐHQGHN. Cuối năm 2014, 46 tân tiến sỹ đầu tiên của Trường ĐHKHXH&NV đã nhận bằng do Nhà trường cấp.
Cùng với đó, quy mô tuyển sinh bậc tiến sỹ tăng gấp hơn 2 lần. Với chủ trương giữ vững quy mô đào tạo ĐH và mở rộng quy mô đào tạo SĐH, Nhà trường tiệm cận dần các tiêu chí của một ĐH định hướng nghiên cứu, nâng dần hàm lượng nghiên cứu trong các hoạt động, đẩy mạnh sự gắn kết giữa hoạt động đào tạo và nghiên cứu.
GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Nhà trường) và PGS.TS Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) trao bằng cho các tân tiến sỹ
8. Tiếp tục tổ chức thực hiện nhiều đề tài quy mô lớn và công bố quốc tế tăng mạnh
Số lượng đề tài nghiên cứu quy mô lớn tăng nhanh với 14 đề tài cấp Nhà nước, 17 đề tài Quỹ Nafosted, 03 đề tài cấp TP Hà Nội cùng hàng chục đề tài cấp Trường và ĐHQGHN. Cán bộ trường đạt nhiều giải thưởng khoa học công nghệ các cấp, 03 công trình đạt giải công trình KH&CN tiêu biểu ĐHQGHN, có 02 nhóm nghiên cứu được công nhận là nhóm NC mạnh cấp ĐHQGHN. Điều này cho thấy tiềm lực khoa học mạnh của đội ngũ cán bộ, tính linh hoạt và chủ động trong việc xây dựng đề tài nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn tài trợ.
Năm nay, công bố quốc tế có bước phát triển mạnh với số lượng công trình công bố tăng gần gấp đôi. Trong năm học 2013-2014, cán bộ của Trường đã công bố 44 công trình ở nước ngoài, tăng gấp đôi so với năm trước (23 công bố quốc tế trong năm học 2012-2013), trong đó có 05 bài báo công bố trên các tạp chí thuộc danh mục Scopus. Đây là một trong những chỉ số quan trọng nâng cao vị trí xếp hạng đại học nghiên cứu của Nhà trường.
PGS.TS Vũ Văn Tích (Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, ĐHQGHN) đang chia sẻ ý kiến trao đổi về chủ đề nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ Trường ĐHKHXH&NV
9. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, ký văn bản hợp tác với 200 trường đại học và tổ chức quốc tế. Tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc tế lớn.
Tăng cường hợp tác quốc tế theo chiều sâu bằng việc ký mới và gia hạn 20 văn bản hợp tác với các đối tác xếp hạng cao trên thế giới như ĐH Inha (Hàn Quốc), ĐH Quốc lập Đài Loan, ĐH Glasgow (Anh), Viện Nghiên cứu lập pháp Hàn Quốc, ĐH Adelaide…, nâng tổng số văn bản hợp tác quốc tế lên con số 200. Trên cơ sở đấy, nhiều chương trình, dự án nghiên cứu quốc tế với các ĐH lớn đã và đang được triển khai hiệu quả, giúp tăng thêm nguồn lực phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của Nhà trường.
Tổ chức được 28 hội thảo, toạ đàm khoa học, trong đó có 19 hội thảo, toạ đàm quốc tế, với sự tham gia của các đối tác và các nhà khoa học nổi tiếng trong nước và quốc tế, qua đó nâng cao được vị thế, uy tín của Nhà trường. Một số hội thảo gây được tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu và xã hội như “Việt Nam trong lịch sử thế giới”, “60 năm Việt Nam - Pháp - EU”, “Lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc: thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam”, “Từ Điện Biên Phủ đến Geneve, nhìn từ góc độ quốc tế”…
Phiên khai mạc Hội thảo Viện Viễn đông Bác cổ Pháp với các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam
10. Tiếp tục mở rộng diện tích làm việc và học tập trong Trường
Trong năm học vừa qua, Trường hoàn thành cải tạo nâng tầng nhà A, đồng thời tổ chức cải tạo nhà M; triển khai giai đoạn 2 nâng cấp các trang thiết bị của Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông cùng các phòng họp, các khu giảng đường, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và các hoạt động của Trường. Cải cách hành chính theo chuẩn ISO tiếp tục được triển khai.
Tác giả: USSH
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn