bet365 football - Nền tảng chính thức

   
Tin tức

"Đường tới Sampo” - Hành trình của Khám phá, Sẻ chia và Đổi thay

Thứ hai - 01/12/2008 20:25
Website Trường ĐHKHXH&NV giới thiệu bài viết của bạn Phạm Thanh Huyền - sinh viên K51 Hàn Quốc học - về tác phẩm văn học “Đường tới Sampo” của tác giả Hwang Sok Young viết năm 1973. Đây là bài viết đạt giải nhất cuộc thi Cảm nhận về văn học Hàn Quốc lần thứ III diễn ra tại Trường ĐHKHXH&NV trong tháng 10/2008 vừa qua.
Website Trường ĐHKHXH&NV giới thiệu bài viết của bạn Phạm Thanh Huyền - sinh viên K51 Hàn Quốc học - về tác phẩm văn học “Đường tới Sampo” của tác giả Hwang Sok Young viết năm 1973. Đây là bài viết đạt giải nhất cuộc thi Cảm nhận về văn học Hàn Quốc lần thứ III diễn ra tại Trường ĐHKHXH&NV trong tháng 10/2008 vừa qua.

Tôi đọc truyện ngắn “Đường tới Sam Po” với mong muốn tìm hiểu về đất nước Hàn Quốc trong quá trình công nghiệp hoá, và thông qua tác phẩm đã nhận được những hiểu biết khá rõ nét, đồng thời tìm thấy những điểm tương đồng giữa xã hội và con người của hai đất nước trong thời kì đổi mới. Đó là điều thú vị mà tác phẩm văn học này đã giúp cho một con người tuy không được sống trong thời gian và không gian của quá khứ song vẫn cảm nhận được một cách tương đối đầy đủ về đời sống trước đây ở một đất nước chưa một lần đặt chân tới. Nói cách khác, đây chính là sự kì diệu của tác phẩm được viết nên bới tài năng nghệ thuật của nhà văn Hwang Sok Young đã mang đến cho độc giả” (trích bài viết của tác giả Phạm Thanh Huyền).

Hành trình khám phá những nét đẹp trong tâm hồn con người

Sau bao thăng trầm của cuộc sống tha hương, trên đường đời, những nhân vật trong tác phẩm đã biến đổi, nhưng đó chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài để chống chọi lại với cuộc sống khắc nghiệt đầy lừa lọc và tàn nhẫn.

Những ấn tượng bên ngoài ban đầu không lấy gì làm tốt đẹp đã dần dần được gỡ bỏ và sâu thẳm trong mỗi tâm hồn ấy là khát khao về một cuộc sống yên bình nơi quê hương. Cái ước mơ giản dị mà cao đẹp ấy dần được thể hiện rõ trong cuộc hành trình tìm về những gì họ đã từng có. Và chính ước mơ ấy đã trở thành điểm tựa vững chắc để tình người thân thiết được xây dựng nên giữa ba con người vốn xa lạ.

Lúc mới gặp Jeong, Young Dal không có ấn tượng tốt về Jeong, người mà anh nghĩ “ăn phải là khoai ngứa rồi nói bậy” và làm cho anh “ bống nhiên thấy tức giận trong lòng”. Nhưng rồi khi câu chuyện giữa họ tiếp diễn, Young Dal càng hiểu về Jeong nhiều hơn, “cái tật nói chuyện của người mới tới này luôn như vậy”, khiến Yong Dal “không thể nổi cáu được, chỉ bật cười”. Sự thông cảm giữa hai con người dần mở rộng ra hơn. “Nhìn trực diện vào mật anh ta thì thấy cũng không phải là người có tướng mạo hung dữ, điều mà Young Dal nghĩ tới trước tiên chính là thái độ dễ chịu, không còn đáng ghét của hắn nữa”.

Và thái độ của Jeong đối với Young Dal cũng dần trở nên thân thiện hơn, anh hỏi han Young Dal “một cách rất tình cảm” : “ Anh đã ăn sáng chưa?”. Những biểu hiện tưởng như rất nhỏ nhặt như thế nhưng đã toát lên hơi ấm của tình thân, kéo gần khoảng cách giữa hai con người lúc đầu tưởng như không có gì là hợp nhau.

Sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau càng được đẩy lên cao trong cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Young Dal, Jeong và Baek Hwa. Khi chưa gặp Baek Hwa, Young Dal và Jeong nghe kể về một cô gái phục vụ rượu bỏ trốn và cái cảm giác thoáng qua là “ hơi tiếc” : “Ôi trời, giá mà có cô Baek Hwa kia ở đây thì cũng kêu ngồi bên rót rượu rồi”. Và đến lúc gặp Baek Hwa trên đường đi qua ngôi làng thứ hai để tới Gam Cheon, thì sự sắc sảo đến mức ngoa ngoắt của cô đã làm cho hai người đàn ông phải bất ngờ : “bĩu môi khinh bỉ lời nói thô kệch của Young Dal” , “quay phắt lại, đẩy giúi vào ngực Young Dal một cách cực mạnh và nhanh đến không ngờ”, rồi “ một tay túm lấy bọc vải, một tay chống nạnh” và “diễn thuyết”. Tất cả khiến cho Young Dal “cứ há hốc mồm, không buồn đứng dậy mà cứ vẫn giữ nguyên tư thế ngã ngồi ấy” và cảm thấy “hổ thẹn”, còn Jeong thì phải “cố nín cười”. Nhưng sau những hành động và lời nói ấy là sự chân thành, thẳng thắn, và chính điều đó đã nhanh chóng xoá đi những mâu thuẫn và gắn kết ba người trên hành trình đi đến cuộc sống mới.

Những nét đẹp chân thực trong tâm hồn những con người ấy dần được hé mở và bộc lộ trong suốt cuộc hành trình.

Young Dal là một con người có trách nhiệm khi kể lại câu chuyện với Ok Ja hay suy nghĩ cuối của anh về Baek Hwa khi chia tay cô ở Gam Choen. Trong suy nghĩ của mình, Young Dal không cho phép mình ở bên cạnh những người phụ nữ mà anh yêu thương trong khi anh không có đủ điều kiện để mang đến cho họ một cuộc sống đầy đủ. Vậy nên khi thất nghiệp, Young Dal đã hứa với Ok Ja “khi nào có tiền đủ sẽ gặp lại sống chung”, nhưng hiện tại anh vẫn là “kẻ lang thang”, và thực tại ấy đã giày vò anh trong từng giấc ngủ : “Đêm đêm, tôi thường khong ngủ được, vì nghĩ đến cô ấy mà tôi cứ thức trắng luôn”. Khi gặp Beak Hwa, dẫu trong lòng mong muốn “chấm dứt số phận lang thang”, song khi tương lai chưa có phương hướng, thì cái suy nghĩ “ phải có năng lực” lại tràn về trong anh, và gương mặt “trở nên buồn rầu nhìn một cách vô định ra bên ngoài nhà ga”. Con người, nếu chưa lo được cho bản thân mình thì cuộc sống của người thân cũng khó mà chăm sóc tốt được. Đặt hạnh phúc của người mình yêu thương lên trên tình cảm của bản thân, Young Dal là một người đàn ông rất có ý thức trách nhiệm. Qua câu chuyện của Young Dal, ta cũng có thể thấy một thực tế rằng giữa tình yêu và cuộc sống mưu sinh là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, và có những câu chuyện tình yêu kết thúc bới chính cuộc sống mưu sinh ấy.

Young Dal, Jeong và Beak Hwa – ba con người ngày càng trở nên hiểu nhau hơn. Họ không còn nói với nhau bằng những câu lỗ mãng, Baek Hwa “ không còn hằn học như lúc trước nữa”, và bắt đầu tâm sự về cuộc đời mình với hai người bạn đồng hành. Sát vai bên nhau trên con đường đi ngày một khó khăn, tiết trời giá rét, ba người đi trên cùng một con đường dựa vào nhau, gần gũi. Những câu chuyện đời thường mà như đùa vui làm cho không khí trở nên thân mật hơn. Baek Hwa nhận ra những nét rất nam tính của Young Dal : “Anh…là một gã không tồi đâu”, “ nhìn anh thổi lửa, tôi thấy khá tuyệt”, “vai anh rộng thật đấy. Có khi cõng được cả ba người”. Còn Baek Hwa, “khuôn mặt ấy, đượm ánh lửa, trong cũng đẹp ra trò”. Trong cô vần tiềm ẩn vẻ đẹp của người phụ nữ dịu dàng, nữ tính, biết quan tâm chăm sóc đến người khác. Câu chuyện tình yêu của Baek Hwa với những người tù : “ yêu đương ở phố đèn đỏ, cho dù là tiếng kêu của tiền đi chăng nữa, nhưng khi nào đã yêu thật một lần, thì cái tình chung thuỷ ấy cũng đáng sợ lắm”. Đó chính là khát khao yêu đương sâu thẳm trong tâm hồn của một “ả gái điếm đã thành tinh” – kẻ mà trái tim tưởng như đã bị đồng tiền và lừa lọc của cuộc sống cuốn đi. Chỉ qua một hành động nhỏ “bẻ một nửa phần của mình đưa cho Young Dal : - Anh ăn thêm đi. Phải cõng tôi nên chắc anh mất sức nhiều lắm” cũng cho thấy sự chu đáo của cô. Đó còn là sự quyến luyến của người phụ nữ trong những cuộc chia tay, phút cuối trước khi lên đường, “với cặp mắt ướt sũng, Baek Hwa nhoẻn miệng cười” và nói cho hai người bạn về tên thật của mình. Giữa những con người ấy đã không còn khoảng cách, những bí mật riêng tư cũng được hé mở. Có lẽ khi quyết định nói ra tên của mình, Baek Hwa đã tin tưởng hoàn toàn vào Young Dal và Jeong, và hi vọng một ngày gặp lại họ.

Nhà văn Hwang Sok Young đã giúp người đọc dần khám phá ra những điểm sáng trong tâm hồn của các nhân vật, theo cách nói của nhà văn Việt Nam, Nam Cao, đó là chúng ta cần phải “cố tìm mà hiểu” để thấy được bản chất tốt đẹp của con người : “đối với những người ở xung quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bỉ ổi, xấu xa, không bao giờ ta thấy họ đáng thương, không bao giờ ta thương”. Những hạt ngọc tâm hồn ấy ẩn giấu bên trong vẻ đanh đá, ngoa ngoắt của một ả gái điếm hay cái lạnh lùng và giọng giễu cợt của Jeong cũng như cái vẻ “ngỡ là một gã phóng khoáng đê tiện”. Với tấm lòng nhân đạo thiết tha, nhà văn Hwang Sok Young đã đưa con người về với chân giá trị đích thực của họ. Hành trình đi đến Sam Po còn là hành trình đi tìm về cái đẹp bên trong con người – những con người tưởng chừng đã bị xã hội đưa đến bước đường cùng nhưng vẫn luôn khao khát đến một ngày mai tươi đẹp hơn, và cái bản chất tốt đẹp vẹn nguyên trong tâm hồn họ sẽ là hành trang vô cùng quý giá giúp họ vững bước trên con đường mới.

“Đường tới Sam Po” là hành trình của những cảnh ngộ cô đơn tìm đến hơi ấm của tình người, tình bạn, gắn bó và sẻ chia.

Young Dal xuất hiện ngay ở những dòng đầu tiên của câu chuyện, chưa có hướng đi cho mình, anh “dừng lại một chút, cân nhắc xem nên đi tới đâu”. Vậy điều gì đã thôi thúc anh rảo bước theo Jeong – một người mới quen, thậm chí gã còn không gây được ấn tượng tốt với anh ? Chính bởi cái cảm giác cô đơn một mình trên con đường vô định ấy,con người rất mong có bạn bè cùng bước để vững tâm hơn, và với Young Dal cũng thế “chỉ biết rằng việc đi đường mà không có bạn đồng hành thì con đường sẽ xa xôi biết mấy. Cho dù cùng đi rồi chia tay ngang đường cũng được, nhưng trước mắt, anh muốn có người để làm bạn đường”. Tiếng gọi của tình người đã bùng lên trong Young Dal, “anh thần người ra suy nghĩ rồi rảo bước theo gã kia” - đó là một hành động mang tính nhân bản rất thực trong mỗi con người khi ở cảnh ngộ như Young Dal.

Jeong, ban đầu khi Young Dal đi cùng, vẫn chưa bỏ cái vẻ ngoài lạnh nhạt, đáp lại những câu nói của Young Dal bằng sự im lặng hoặc những câu rất ngắn. Và dù “có vẻ không thấy lạnh vì đã có trang bị đầy đủ mũ lông và áo khoác dã chiến, với một khí sắc có vẻ rất khoẻ khắn”, nhưng không vì thế mà Jeong không cần có bạn đồng hành. Sự cởi mở của Young Dal đã dần thay đổi Jeong, thân thiện và dễ gần hơn.

Con đường đi ngày một khó khăn hơn nhưng bên nhau, họ “cùng sóng bước một cách tự tin”, “vết chân của hai người không ngừng nối dài trên đường”. Sự vững tâm trong hai con người ấy phải chăng bởi họ đã có một tình bạn tuy vừa mới được nhen nhóm nhưng đã trở nên thân thiết ?

Cuộc hội ngộ với Baek Hwa rất tự nhiên, và ba người “nối bước nhau trên con đường phủ đầy tuyết”. Ba con người xa lạ đã gặp nhau và dần trở nên thân thiết, gần gũi trên quãng đường ấy.

Hình ảnh đẹp nhất trong tác phẩm có lẽ là cảnh ba người ngồi nghỉ chân bên đống lửa giữa trời giá lạnh. Họ xích lại gần nhau không chỉ để lấy hơi ấm của ngọn lửa mà còn tìm kiếm hơi ấm của tình người. Ngọn lửa của tình người ấy mới chính là hơi ấm thực sự và bền lâu, cho dù mới được nhen lên song nó đã và sẽ cháy càng lúc càng to hơn để sưới ấm những tâm hồn đang cô đơn không chỉ trong cảnh ngộ rét buốt của mùa đông mà là cả cuộc đời họ.

Đường tới Sam Po” - Hành trình đi tìm cuộc sống mới

Cuộc hành trình lớn nhất trong tác phẩm chính là hành trình đi tìm trang mới cho cuộc đời, khát khao có một cuộc sống tốt đẹp hơn hiện tại. Đây chính là con đường đi thực sự gặp nhiều gian nan và những điều không thể ngờ được trước những biến đổi ở phía cuối con đường ấy.

Xuyên suốt tác phẩm là một cuộc hành trình trở về quê hương của Jeong, Baek Hoa và chuyến đi tìm kiếm cuộc sống mới của Young Dal. Mỗi người có một hướng riêng cho mình song họ đều gặp nhau ở chung một cái đích là luôn hướng tới và hi vọng vào một cuộc sống tươi đẹp hơn

Young Dal muốn thoát khỏi cuộc sống cũ, cái cuộc sống chênh vênh, bấp bênh. Anh muốn tìm tới một khới đầu mới, cho dù chưa biết mình sẽ đi đâu và sẽ làm gì nhưng chắc chắn sẽ là một cuộc sống mới, tốt hơn hiện tại.

Jeong ra khỏi cuộc sống tù tội trong suốt hơn 10 năm trời với khát khao trở về quê hương sống một cuộc sống của một người lao động lương thiện trong tay với những nghề mà mình đã học được trong quãng thời gian đầy cực nhọc trong tù.

Baek Hoa - một cô gái có cuộc đời phiêu dạt trong các quán rượu những tưởng cứ vậy mà sống nhưng khao khát làm lại cuộc đời luôn âm ỉ trong cô mỗi sáng thức giấc, và nó đã bùng phát khi cô bỏ trốn khỏi quán rượu.

Khi đọc tác phẩm này, tôi rất ấn tượng với quyết tâm của Jeong khi mong muốn quay trở về để xây dựng cho mình một cuộc sống mới trên chính mảnh đất đẹp tuyệt với của quê hương mình. Hướng đi của anh rất rõ ràng ngay từ khi xuất hiện trong câu chuyện. Khi Young Dal nói rằng vào mùa đông giá rét như này, thì Jeong đã “chọn nhầm hướng rồi, vào tiết đông như thế này thì ở đó chỉ là một nơi hẻo lánh mà thôi”, nhưng anh đã đáp lại một cách rất chắc chắn rằng: “Đó là quê hương của tôi”, và cho dù khi trở về quê chưa chắc còn người quen nhưng “vì đã có tuổi nên muốn về quê”. Một con người dù có đi đâu và làm gì ở phương trời nào đi chăng nữa thì họ vẫn luôn hướng về quê hương, nhất là sau bao thăng trầm mà họ phải trải qua thì quê hương vẫn là bến đậu thân thương nhất. Và có lẽ cái tình cảm này ở đâu cũng thế thôi, Việt Nam cũng có rất nhiều tác phẩm viết về những con người làm lại cuộc đời mình trên chính mảnh đất “chôn rau cắt rốn” của mình như các nhân vật trong tác phẩm của Anh Đức, Nguyễn Khải, Kim Lân, Bùi Hiển, …

Quê hương trong kí ức của Jeong thật đẹp : “Đó thực sự là một hòn đảo rất đẹp. Đất đai phì nhiêu bao quanh, tha hồ đánh bắt cá thoả thích”. Chỉ hai câu ngắn gọn thế thôi cũng đủ cho người đọc thấy được hết niềm tự hào về Sam Po nơi Jeong sinh ra và ước mơ về một cuộc sống nay mai sẽ rất tuyệt vời của anh trên mảnh đất ấy. Con đường về Sam Po dẫu còn xa, ở tận “hướng Nam mờ mịt” thì anh đã chuẩn bị rất kĩ càng và đầy đủ cho hành trình hồi hương, cả về hành trang, những nghề mà anh học được ở “nhà lớn”, thêm hai người bạn đồng hành trên đường khiến Jeong càng quyết tâm hơn. Cái đích đến của Jeong ngay từ khi cất bước đã rất rõ, và lúc nào cũng rõ ràng trong hành trình hồi hương, đến tận khi đến thị trấn Gam Cheon nó vẫn chưa hề bị lay chuyển : “Tôi thì đi về Sam Po rồi”. Dường như cái ý chí của Jeong đã lan truyền sang cả độc giả, tôi thực sự cảm thấy rất vui khi sau một hành trình dài anh đã tới được ga tàu để kết thúc cuộc hành trình đã rất vất vả. Tương lai tươi sáng như cận kề trước mắt.

Nhưng chỉ với cuộc nói chuyện ngắn ngủi với ông già ở ga tàu, trong Jeong ngập tràn cảm giác hụt hẫng như vừa đánh mất một cái gì đó vô hình, một viễn cảnh bỗng chốc tan thành mây khói. Tất cả trở nên mờ mịt, khó nắm bắt. Là một con người đã từng trải, nếm “mùi đời” trong nhà tù khiến anh trở thành một con người dày dạn kinh nghiệm sống, anh hiểu rằng: “ Hồi này là lúc mà thế gian được biến đổi đánh vèo chỉ trong một, hai năm ấy mà”. Thế nhưng anh vẫn không thể ngờ được sự thay đổi nhanh chóng của quê hương mình, của mảnh đất mà “ở đó chỉ được đánh bắt cá và trồng khoai” giờ đây đã “xây dựng rất nhiều khách sạn du lịch, sự phức tạp của nó thì không tài nào tả nổi”, “Ở đó toàn những người thợ làm tại công trường. Nó còn được xây dựng cả chợ kia”. Những ngạc nhiên của Jeong ngày càng nối tiếp, nghe ông già kể, Jeong phải liên tục đặt ra những câu hỏi về những hỉnh ảnh của Sam Po trong quá khứ. Sự mất mát trong tinh thần là những hình ảnh của quê hương giờ đây trong anh đã thực sự chỉ còn là quá khứ - nơi mà Jeong đã nghĩ hoài rồi quyết tâm về nhưng bây giờ với anh, nó đã trở nên “xa lạ”. Và “con người nhiều lên thì phải biến đổi chứ, con người nhiều lên thì sẽ quên cả trời ấy chứ”. Cái triết lí xót xa ấy xoáy vào tâm can Jeong, nỗi mất mát ấy kéo theo cả sự sụp đổ nhanh chóng về ước mơ tưởng chừng rất thực tế và có thể thực hiện được, về cuộc sống của người thợ đóng thuyền gỗ giờ đây đã trở thành ảo vọng, “trên biển xưa đã lấp kín và làm một con đường mới thì thuyền gỗ để mà làm gì?”. Anh đã “quên đi cái mục đích rõ ràng của lòng mình” – cái đích mà anh đã từng vạch ra từ rất lâu và rất rõ ràng, sắp đạt đến thì bị một cú vấp do sự lỗi nhịp thời đại, của quãng thời gian sau hơn mười năm chưa trở về quê đã làm tan biến nó và để lại một vết thương lớn trong anh, “chân Jeong bước đi vô định”.

Đọc đến đoạn kết của tác phẩm, tuy tác giả không đề cập đến bước đường tiếp theo của Baek Hwa nhưng có lẽ cái ước mơ bình dị trở về quê “yên lặng, đóng đinh một chỗ, rồi làm ruộng, ở nhà thôi” dường như cũng trở nên khó khăn trong thực tại đang đổi thay từng ngày.

“ Đường tới Sam Po” viết trong thời kì đất nước Hàn Quốc những năm 70 với công cuộc đổi mới nền kinh tế, quá trình công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ. Tác phẩm đã đề cập đến mặt trái của quá trình này, các vùng nông thôn được đầu tư phát triển, nhưng cũng gây nên khó khăn trong sự chuyển đổi sang cuộc sống mới cho những người nông dân, đòi hỏi họ phải thay đổi suy nghĩ và nghề nghiệp để thích ứng với nó. Điều này tạo nên những vết thương khá sâu sắc trong những con người vốn đã quen gắn bó với nghề nông và ngư nghiệp. Nhà văn đã đi sâu vào tâm lí của họ để xây dựng thành công hình tượng nhân vật Jeong – điển hình của người nông dân trong vòng xoáy của công cuộc đổi mới.

Đọc truyện ngắn này, tôi có liên tưởng đến tác phẩm “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Tưởng viết trong thời kì Việt Nam tiến hành đổi mới. Điểm tương đồng giữa hai tác phẩm này là sự lỗi nhịp thời đại, sự mất mát và hẫng hụt về tinh thần của con người cũ trước sự đổi thay đến chóng mặt của xã hội thời kì công nghiệp hoá. Sự giao thoa này có lẽ bởi thời điểm ra đời của hai câu chuyện khác nhau song cùng viết trong hoàn cảnh tương đồng - giai đoạn hai nước bắt đầu bước vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chính điểm tương đồng ấy đã tạo nên sự gần gũi giữa nền văn học của hai đất nước vốn rất xa về khoảng cách địa lí. Có lẽ, Việt Nam - Hàn Quốc là hai quốc gia tuy xanhưng không lạcũng một phần nhờ có những tác phẩm như “Đường tới Sam Po” và những tác giả như nhà văn Hwang Sok Young.

Nhưng tác phẩm khép lại không gợi cảm giác về sự bi quan, mà nó mở ra một con đường mới. Người đọc nhận ra rằng ba con người này sẽ đủ khả năng để thay đổi cho thích hợp với cuộc sống mới. Jeong nghĩ về Baek Hwa “cho dù là mỗi người mỗi cảnh, nhưng có lẽ cô gái sẽ làm được như thế thôi”. Young Dal sau khi nghe câu chuyện về sự đổi thay của Sam Po cũng vạch ra một tương lai mới : “Hay quá, chúng ta tới đó tìm một công việc trong công trường đi.” Và trong suy nghĩ của Jeong, tuy mất mát về tinh thần không thể bù đắp lại được, nhưng anh cũng nhanh chóng định hướng lại được trong thực tại: “Bỗng chốc, tâm tư của Jeong cũng giống như của Young Dal”. Niềm tin ấy tuy con mơ hồ nhưng nó sẽ là điểm tựa cho những con người ấy vượt qua thử thách mới. Và thực tế đã chứng minh rằng Hàn Quốc đã đổi mới thành công, mang lại một gương mặt mới, tươi đẹp và sáng lạn cho xứ sở Kim chi.

Đường tới Sam Po – Con đường thể hiện tài năng nghệ thuật của nhà văn Hwang Sok Young.

Một giá trị không thể không nhắc tới là nghệ thuật miêu tả ngoại cảnh rất đắc địa của nhà văn Hwang Sok Young để gợi tâm trạng, cảnh ngộ của nhân vật, góp phần tạo nên ý nghĩa sâu sắc cho tác phẩm.

Ấn tượng về thiên nhiên trong suốt tác phẩm là những nét tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, không khí ấm áp và sự lạnh buốt, giá rét của mùa đông. Ngoại cảnh trong tác phẩm mang ý nghĩa dự báo.

Mở đầu là một khung cảnh ấm áp hiện ra như một khúc dạo đầu tươi sáng cho câu chuyện : “ Dưới ánh mặt trời của buổi sáng, cánh đồng xơ xác hiện ra càng lúc càng rõ dần; khắp nơi, những vũng bùn hay dòng nước suối bị đóng băng sáng lên lấp lánh bới sự phản quang của tia nắng sớm”. Ánh nắng ban mai ấy chưa đủ sáng chói để làm rực lên một ngày chói chang nhưng nó lại làm cho cảnh vật đẹp một cách dịu nhẹ và ấm áp.Những hàng cây trụi lá, cánh đồng xơ xác hay những vũng bùn cũng rũ bỏ vẻ mờ tối, dần sáng lên lấp lánh. Nắng mới và gió nhẹ đã làm cho mọi vật dẫu có xác xơ cũng trở nên đẹp, có hồn và đầy sức sống. Đứng giữa khung cảnh ấy, trong lòng Young Dal cũng như được thôi thúc lên đường, dẫu chưa biết rõ phương hướng nhưng sẽ là đi kiếm tìm một sự khởi đầu mới.

Đang trong suy nghĩ cân nhắc xem đi đến đâu, Young Dal gặp Jeong trong lúc “mặt trời mọc, âm khí và dương khí được tách ra”, “đây đó có tiếng lạo xạo do đất bị đóng băng, ở những chỗ bị bóng của cây rừng hay bóng của những ngọn đồi che khuất, đang rạn nứt” , “mặt trời đã bắt đầu làm tan băng ở những chỗ trũng, làm lộ rõ những vũng đất đỏ lầy lội”. Dường như mầm sống đang cựa mình, những thay đổi của đất trời cũng bắt đầu trở nên rõ ràng hơn, như một tín hiệu mới. Và một con người mới cũng xuất hiện – người học Jeong đang trên hành trình về quê hương xây dựng cuộc sống mới.

Tính dự báo của thiên nhiên được thể hiện rõ ở câu văn kết thúc tác phẩm : “Con tàu chạy hướng về phía cánh đồng tối đầy những bông tuyết”. Con đường rất tươi sáng và rõ ràng ở đầu tác phẩm giờ đây cũng thật hư ảo vào khó nắm bắt, như chính thực cảnh của Jeong lúc này.

Thiên nhiên có lúc đồng cảnh ngộ với con người song cũng có lúc trở thành thử thách cần vượt qua. “Đường dốc xuống dần, bao quanh núi, chạy dọc bờ sông, đến hút tầm mắt. Cánh đồng hoang tàn, không nhìn thấy nhà cửa như lúc trước đâu nữa. Đám lau sậy khô rối tưng đang lay động, bên kia song, đâu đâu cũng thấy gió cát thổi”. Con đường mà Young Dal và Jeong đi ngày một xa với nơi có con người sinh sống. Khó khăn ngày càng nhiều hơn, “gió thổi làm bay những mẩu đá bị vỡ quất vào mặt làm họ đau rát”, còn đường về vẫn còn mờ mịt, tuyết rơi ngày một nhiểu hơn, vạn vật trở nên mơ hồ, “trên các mái nhà khô hanh, những làn khói mỏng manh tới nỗi hầu như không thấy được là nó đang tan loãng và trôi đi”. Khi hai người bạn đồng hành lên đường, ánh mặt trời nhường chỗ cho những bông tuyết trắng toát và lạnh giá :” Mặt trời khuất vào trong đám mây thấp nên cảnh vật xung quanh nhìn đùng đục như được nhìn thông qua cái kính có màu vàng”. Hành trình về Sam Po không hề dễ dàng, nhưng Jeong vẫn quyết tâm đi, điều này thể hiện ý chí rất lớn của anh khi trở về quê hương. Và vì có tình bạn giữa ba người nên thiên nhiên càng khó khăn, họ càng gắn bó bên nhau hơn : “tuyết dính vào bước chân nhưng họ không thất bất tiện mà ngược lại, có cảm giác ấm áp khi nhìn tuyết”, “khi đi lên con đường dốc, Young Dal và Jeong phải đỡ hai bên cho cô nàng khỏi ngã”.

Thông qua cách nhìn thiên nhiên, tính cách của nhân vật cũng được khắc hoạ rõ nét.Young Dal là một người khá tinh tế và tâm hồn nhạy cảm, “nhìn tuyết rơi, mọi lo âu dường như tan biến…”, trong khi đó, Jeong lại là một con người khá thực tế và có nhiều kinh nghiệm sống : “ Này, những bông hoa tuyết kia mới đẹp làm sao, chắc là năm sau sẽ được mùa” ,” lúc đầu, tâm trạng cũng được đấy, nhưng nếu tuyết rơi hoài như vậy thì việc đi lại của chúng ta sẽ không dễ dàng chút nào đâu”.

Trên đường đi, họ gặp một ngã rẽ mà tấm bảng chỉ dẫn đã bị hoen gỉ và mờ đi. Đôi khi trên đường đời, chúng ta cũng đứng trước những ngã rẽ và phải chọn cho mình một hướng đi đúng nhất. Có sự giúp đỡ của một người lớn tuổi, hai người đã lựa chọn và quyết tâm đi trên con đường ấy, và thật lạ kì là họ đã gặp được Baek Hwa. Nhà văn đã thể đan xen những dụng ý nghệ thuật của mình một cách rất khéo léo khi sử dụng ngoại cảnh để thể hiện điều ấy.

Tôi đặc biệt thích trong tác phẩm những câu triết lí sống của trong tác phẩm, tạo những điểm nhấn sâu cho câu chuyện, nó như những chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời, gợi được nhiều suy nghĩ cho người đọc :

- “Việc đi đường mà không có bạn đồng hành thì con đường sẽ xa xôi biết mấy”.

- “Vì đã có tuổi nên muốn về quê”.

- “Vì dù có nhịn đói đi chăng nữa nhưng mà nếu có tiền thì cũng vẫn thấy vững tâm hơn”.

- “Con người ấy mà, nếu không ở bên cạnh lâu thì cũng rất dễ quên nhau, một cách tự nhiên thôi”.

- “Không chỉ có nhà tù, ngay cả cái cuộc sống này cũng chẳng phải là biển khổ trần gian hay sao?”

- “Làm sao biết được những gì sẽ xảy ra. Nhân duyên mà đến là có thể buông neo mà sống”.

- “ Hồi này là lúc mà thế gian được biến đổi đánh vèo chỉ trong một hai năm ấy mà”.

- “Con người nhiều lên thì phải biến đổi chứ, con người nhiều lên thì sẽ quên cả trời ấy chứ”.

Tôi đọc truyện ngắn “Đường tới Sam Po” với mong muốn tìm hiểu về đất nước Hàn Quốc trong quá trình công nghiệp hoá, và thông qua tác phẩm đã nhận được những hiểu biết khá rõ nét, đồng thời tìm thấy những điểm tương đồng giữa xã hội và con người của hai đất nước trong thời kì đổi mới. Đó là điều thú vị mà tác phẩm văn học này đã giúp cho một con người tuy không được sống trong thời gian và không gian của quá khứ song vẫn cảm nhận được một cách tương đối đầy đủ về đời sống trước đây ở một đất nước chưa một lần đặt chân tới. Nói cách khác, đây chính là sự kì diệu của tác phẩm được viết nên bới tài năng nghệ thuật của nhà văn Hwang Sok Young đã mang đến cho độc giả.

Tác giả: i333

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây