Phòng Văn hoá – Thông tin (PAS) - Đại sứ quán Hoa Kì tại Hà Nội đang tìm kiếm ứng viên phù hợp để đề cử cho các chương trình Nghiên cứu Hoa Kì dành cho học giả và giáo viên/chuyên viên giáo dục phổ thông năm 2010.
Giảng viên đại học và các nhà nghiên cứu về Hoa Kì, giáo viên/chuyên viên giáo dục phổ thông (từ Quảng Trị trở ra Bắc) có nguyện vọng đăng kí tham gia các chương trình nghiên cứu này xin vui lòng điền vào mẫu đơn dưới đây và nộp trực tuyến trước ngày Thứ Hai, 25/01/2010. Kết quả đề cử sẽ được thông báo vào đầu tháng 4/2010. Ứng viên phía Nam (từ Thừa Thiên – Huế trở vào Nam) cần liên hệ với phòng Văn hoá – Thông tin, tổng Lãnh sự Hoa Kì tại thành phố Hồ Chí Minh để biết thêm chi tiết.
Khái quát về Chương trình
Chương trình Nghiên cứu Hoa Kì là các chương trình nghiên cứu nâng cao bậc sau đại học kết hợp tham quan thực tế với mục đích tạo cơ hội cho giảng viên đại học và các nhà nghiên cứu về Hoa Kì, giáo viên/chuyên viên giáo dục phổ thông có được hiểu biết sâu sắc hơn về xã hội, văn hoá và thể chế của Hoa Kì. Khi về nước, những kiến thức và kinh nghiệm học viên thu nhận được từ chương trình hi vọng sẽ giúp củng cố chương trình đào tạo và nâng cao chất lượng giảng dạy về Hoa Kì ở các trường học và cơ quan của học viên.
Mỗi chương trình bao gồm 18 học viên đến từ các nước khác nhau trên thế giới (trừ chương trình dành cho Giáo viên/Chuyên viên Giáo dục Phổ thông) và kéo dài trong sáu tuần, bắt đầu khoảng giữa tháng 6/2010. Mọi chi phí tham dự chương trình, bao gồm: quản lí chương trình, đi lại nội địa và quốc tế, nơi ở, tài liệu học tập và các chi phí sinh hoạt khác sẽ do Bộ Ngoại giao Hoa Kì tài trợ.
Tóm tắt các Chương trình Nghiên cứu Hoa Kì
1. Chương trình Nghiên cứu Văn hoá và Xã hội Hoa Kì
Chương trình Nghiên cứu Văn hoá và Xã hội Hoa Kì giúp cho 18 học viên là các giảng viên đại học và chuyên viên nghiên cứu hiểu biết sâu sắc hơn về xã hội, văn hoá, các giá trị và thể chế của Hoa Kì. Chương trình này nghiên cứu các bối cảnh dân tộc, chủng tộc, kinh tế, chính trị và tôn giáo hình thành nên các nền văn hoá trong xã hội Hoa Kì, và cách thức các nền văn hoá đó gây ảnh hưởng đến các trào lưu xã hội và thời kì lịch sử xuyên suốt lịch sử Hoa Kì. Chương trình sẽ có cách tiếp cận đa ngành và sẽ đưa ra mô hình tiếp cận việc giảng dạy văn hoá và xã hội Hoa Kì mà các trường đại học nước ngoài nên áp dụng. Địa điểm tổ chức chương trình tại Mĩ sẽ được thông báo sau.
2. Chương trình Nghiên cứu Chính trị và Tư duy Chính trị Hoa Kì
Được tổ chức tại Đại học Massachusetts, thành phố Amherst, Chương trình Nghiên cứu Chính trị và Tư duy Chính trị Hoa Kì giúp cho 18 học viên là giảng viên đại học hiểu biết sâu sắc hơn về các thể chế chính trị và những trào lưu chủ đạo trong tư duy chính trị Hoa Kì. Chương trình này giúp học viên hiểu biết tường tận về những trào lưu tư tưởng và chính trị tác động tới các thể chế chính trị đương đại của Hoa Kì, gồm cả giới thiệu khái quát về tư duy chính trị thời kì lập quốc (những nền tảng của hiến pháp), sự phát triển và hoạt động hiện thời của Tổng thống, Quốc hội và Tư pháp Liên bang. Phần nghiên cứu về các thể chế chính trị sẽ đề cập hệ thống bầu cử, các đảng phái chính trị và nhóm lợi ích, hệ thống dịch vụ công, truyền thông và các cơ quan tham mưu, nhà nước phúc lợi/quản lí. Chương trình cũng đề cập những vấn đề về văn hoá và chính trị đương đại của Hoa Kì (bao gồm các quyền dân sự, quyền của phụ nữ, nhập cư,...), và ý nghĩa sự tham gia của công chúng trong quá trình xây dựng chính sách công.
3. Chương trình Nghiên cứu Đa dạng Tôn giáo ở Hoa Kì
Được tổ chức tại Đại học California, thành phố Santa Barbara, Chương trình Nghiên cứu Đa dạng Tôn giáo ở Hoa Kì giúp cho 18 học viên là giảng viên đại học và chuyên viên về tôn giáo hiểu biết sâu sắc hơn về văn hoá và xã hội Hoa Kì, quá khứ cũng như hiện tại, thông qua nghiên cứu nghiên cứu về đa dạng tôn giáo ở Hoa Kì và tác động qua lại đối với nền dân chủ của Hoa Kì. Sử dụng cách tiếp cận đa ngành, dựa trên các ngành như lịch sử, khoa học chính trị, xã hội học, nhân chủng học, luật và các ngành khác phù hợp, chương trình sẽ nghiên cứu mối quan hệ cả trong lịch sử và hiện tại giữa nhà nước và nhà thờ ở Mĩ. Học viên cũng sẽ nghiên cứu những đặc trưng sau của sự đa dạng tôn giáo ở Hoa Kì: những cách thức ảnh hưởng, và bị ảnh hưởng của tư tưởng và hoạt động tôn giáo đối với sự phát triển của nền dân chủ kiểu Mĩ; những giao thoa giữa tôn giáo và nền chính trị Hoa Kì trong các lĩnh vực như bầu cử, chính sách công và chính sách đối ngoại; xã hội học và nhân khẩu học về tôn giáo ở Hoa Kì ngày nay, bao gồm cả khảo sát về sự đa dạng trong tín ngưỡng tôn giáo đương đại và những tác động của nó tới chính trị Hoa Kì.
4. Chương trình dành cho Giáo viên/Chuyên viên Giáo dục Phổ thông
Được tổ chức thành hai lớp, mỗi lớp 30 học viên, Chương trình Nghiên cứu dành cho Giáo viên/Chuyên viên giáo dục Phổ thông giúp cho học viên là giáo viên, giảng viên sư phạm, soạn giả chương trình giảng dạy, soạn giả sách giáo khoa, chuyên viên giáo dục,...) hiểu biết sâu sắc hơn về văn hoá, xã hội và nền giáo dục của Hoa Kì, quá khứ cũng như hiện tại. Chương trình sẽ tập trung vào chủ đề trọng tâm là văn minh Hoa Kì và dành riêng một phần nói về các vấn đề đương đại. Kết hợp các cách tiếp cận truyền thống, đa ngành và liên ngành, chương trình sẽ lí giải lịch sử và sự tiến hoá của các giá trị và thể chế giáo dục của Hoa Kì. Chương trình cũng sẽ giải thích những tranh luận trong xã hội Hoa Kì đương đại về chính trị, kinh tế và xã hội. Địa điểm tổ chức lớp thứ nhất là Đại học Illinois, Chicago. Địa điểm tổ chức lớp thứ hai sẽ được thông báo sau.
Tiêu chuẩn của ứng viên
Ứng viên đăng kí các chương trình Nghiên cứu Hoa Kì phải có đủ các điều kiện sau:
- Đối với Chương trình 1-3: Độ tuổi từ 30 - 50;
- Đối với Chương trình 4: Độ tuổi từ 25 - 50
- Đối với Chương trình 1-3: Giảng viên hoặc chuyên viên nghiên cứu về Hoa Kì yêu nghề và có bề dày kinh nghiệm, ưu tiên các ứng viên có bằng Thạc sĩ trở lên và có hiểu biết sâu sắc về chủ đề của chương trình đăng kí;
- Đối với Chương trình 4: Giáo viên phổ thông, giảng viên sư phạm, soạn giả chương trình giảng dạy, soạn giả sách giáo khoa, chuyên viên giáo dục, hoặc các chuyên viên khác liên quan tới giáo dục phổ thông yêu nghề và có mong muốn đưa các nội dung về Hoa Kì học vào chương trình giảng dạy;
- Quen với cuộc sống học đường, mong muốn và có khả năng tham gia đầy đủ một chương trình nghiên cứu sau đại học và tham quan bận rộn;
- Giỏi tiếng Anh.
Phòng Văn hoá thông tin đặc biệt khuyến khích các ứng viên có những điều kiện sau đăng kí chương trình:
- Các giảng viên hoặc nhà nghiên cứu trẻ có kinh nghiệm và hầu như chưa từng đến Hoa Kì;
- Cơ quan của ứng viên đang có kế hoạch đưa các học phần Hoa Kì học vào chương trình giảng dạy, phát triển các khoá học mới liên quan tới các chủ đề của chương trình nghiên cứu mà ứng viên đăng kí, đổi mới và cập nhật các khoá học hiện có về Hoa Kì, hoặc tổ chức các seminar/hội thảo cho đồng nghiệp về những lĩnh vực liên quan tới chủ đề của chương trình nghiên cứu.
Đăng kí tham gia
Các ứng viên có đủ điều kiện xin vui lòng điền vào mẫu đơn bằng tiếng Anh và nộp trực tuyến tại đây trước 17:00 thứ Hai, ngày 25/01/2010. Bản sao mẫu đơn đã điền đầy đủ thông tin và văn bằng, chứng chỉ xin gửi về địa chỉ sau trước thời hạn nêu trên:
Chương trình Nghiên cứu Hoa Kì dành cho Học giả
Phòng Văn hoá Thông tin
Sứ quán Hoa Kì
Số 7, Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: (84) 4 3850 5000/ext. 6034
E-mail:
[email protected]
Hồ sơ nộp sau thời hạn nói trên sẽ không được xem xét.