bet365 football - Nền tảng chính thức

   
Tin tức

Hội thảo “Nguyễn Tài Cẩn - tư tưởng, tác phẩm và kỷ niệm”

Thứ tư - 17/11/2021 06:55
Kỉ niệm 10 năm ngày mất của GS.TS.NGND Nguyễn Tài Cẩn (1926-2011), Khoa Ngôn ngữ học tổ chức hội thảo “Nguyễn Tài Cẩn - tư tưởng, tác phẩm và kỷ niệm”. Hội thảo không chỉ bàn luận về những đóng góp và ảnh hưởng của GS. Nguyễn Tài Cẩn đối với nghiên cứu Ngôn ngữ học, Việt ngữ học và Hán Nôm ở Việt Nam mà còn là nơi chia sẻ những hồi ức, kỷ niệm và tình cảm của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò dành cho vị sư biểu của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam.
GS. Nguyễn Tài Cẩn là một trong những chuyên gia đầu ngành của Ngôn ngữ học Việt Nam, người có công lớn trong việc xây dựng ngành Ngôn ngữ học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. GS. Nguyễn Tài Cẩn được giới nghiên cứu đánh giá cao trong các lĩnh vực như Ngữ pháp tiếng Việt, Ngữ âm lịch sử và lịch sử tiếng Việt, cách đọc Hán Việt, những vấn đề về văn tự học Hán Nôm, văn bản học và cổ thi... Những kết quả nghiên cứu của Giáo sư có ảnh hưởng sâu rộng, làm thay đổi nhận thức của cả giới nghiên cứu Ngôn ngữ học, Việt ngữ học và Hán Nôm ở Việt Nam.

IMG 8504
PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Nhà trường
 
Phát biểu tại hội thảo, Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Trường cho rằng: Hội thảo là sự kết nối giữa các thế hệ hướng về người thầy đáng kính: GS.TS.NGND Nguyễn Tài Cẩn. Kết quả nghiên cứu và thảo luận trong hội thảo sẽ là sự kế thừa và tiếp tục phát triển những tư tưởng khoa học của Giáo sư trong nghiên cứu Ngôn ngữ học nói chung, Việt ngữ học và Hán Nôm nói riêng.
 
IMG 8483
PGS.TS Trịnh Cẩm Lan - Trưởng khoa Ngôn ngữ học

paratime vn 211116 0072
PGS.TS Trịnh Cẩm Lan tặng sách "“Nguyễn Tài Cẩn - tư tưởng, tác phẩm và kỷ niệm” cho con gái GS. Nguyễn Tài Cẩn là bà Nguyễn Thị Nam Hoa 
PGS.TS Trịnh Cẩm Lan - Trưởng khoa Ngôn ngữ học chia sẻ cảm xúc: Đọc các bài viết, chúng tôi càng thấm thía sâu sắc những giá trị mà GS. Nguyễn Tài Cẩn đã để lại cho ngành Ngôn ngữ học nước nhà. Thầy ra đi nhưng những tư tưởng, tác phẩm và bầu nhiệt huyết với khoa học vẫn ở bên cạnh chúng ta qua những trang giáo trình, những bài nghiên cứu. Tư tưởng của Thầy vẫn ngày ngày được các học trò kế thừa, luận bàn và phát triển”.
 
paratime vn 211116 0148
 GS.NGND Hoàng Trọng Phiến
 
GS.NGND Hoàng Trọng Phiến (nguyên Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt) bồi hồi: GS. Nguyễn Tài Cẩn là cây đại thụ, là một trong những người xây dựng ngôn ngữ Việt Nam hiện đại. Thầy là một nhà khoa học chân chính, một vị sư biểu của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam. Là một nhà khoa học, thầy có phong cách và thao tác làm việc tỉ mỉ, nghiêm cẩn. Trong các công trình khoa học của Thầy, các lập luận, các nhận định đều có luận cứ rõ ràng, thuyết phục. Những công trình về ngôn ngữ học của Thầy là những sách cơ bản cho nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành. Các tác phẩm này cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị về mặt lí thuyết, phương pháp và thao tác khoa học. Về công tác đào tạo, Thầy là người xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Thầy coi trọng đào tạo chuyên ngành và có công lớn trong việc đưa Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là nơi đầu tiên triển khai đào tạo bậc thạc sỹ và tiến sĩ Ngôn ngữ học.
 
IMG 8601
 GS.TS.NGND Đinh Văn Đức
 
Là một trong những học trò gần gũi với GS. Nguyễn Tài Cẩn, GS.TS.NGND Đinh Văn Đức (nguyên Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV) chia sẻ kỷ niệm: “Chính Thầy là người đã gieo cảm hứng và thúc đẩy tôi lựa chọn theo ngành Ngôn ngữ học. Thầy thường nói: làm gì thì làm, đọc lý luận Đông Tây gì thì đọc, nhưng đã làm thì phải làm về Việt Nam, phải “nội địa hóa” nó, điều chỉnh nó qua tư liệu. Thầy cũng truyền kinh nghiệm học và đọc: hãy tìm những cuốn sách cơ bản đọc cho kỹ, cho chắc rồi lướt qua những cuốn khác để tìm xem có cái gì mới; chứ đừng cuốn nào cũng đọc thì sẽ rất mông lung. Đề xuất “tiếng” là đơn vị cơ sở của ngôn ngữ mà thầy Cẩn và tôi đổ nhiều công sức để xác định điều này trong cuốn Ngữ pháp tiếng Việt của Ủy ban KHXH năm 1983 là một trong những thành công trong dư luận”.
 
IMG 8613
 GS.TS.NGND Nguyễn Thiện Giáp

GS.TS Nguyễn Thiện Giáp (nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội) nhớ lại: Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong tôi là ở Khoa Ngữ văn và Ngôn ngữ học luôn tràn đầy không khí hòa hợp. Chính nơi ấy tôi đã được gieo vào một hạt giống tốt để phát triển như ngày hôm nay. Thầy Cẩn là người luôn hết lòng vì những đồng nghiệp trẻ, không chỉ ở trường ta mà còn cả các đồng nghiệp đến từ Viện Hán Nôm, Đại học Ngoại ngữ...
 
paratime vn 211116 0183
 GS.TS.NGND Lê Quang Thiêm
 
GS.TS.NGND Lê Quang Thiêm (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn): Sự hiện diện của các thầy cô hôm nay là sự tri ân, ghi nhận nhân cách, đóng góp của GS. Nguyễn Tài Cẩn với giới tinh hoa xã hội. Thầy là tấm gương sáng về tấm lòng nhiệt huyết đối với khoa học; là một người thầy bao dung với học trò.  
 
IMG 8619
 PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt
 
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt chia sẻ: Ảnh hưởng của GS. Nguyễn Tài Cẩn còn nằm ở quan hệ giao lưu văn hoá, quốc tế. Thầy là người có tài năng sáng tác và những sáng tác của thầy có thể tạo ảnh hưởng lớn đến nghiên cứu văn hoá, giao lưu văn hoá, dân tộc. Thầy có dự định xuất bản tập thơ riêng nhưng đến nay chưa thấy ai làm. Tôi nghĩ đây cũng là điều nên làm trong tương lai.
 

 
Các tham luận tại hội thảo làm sâu sắc hơn những đóng góp của GS. Nguyễn Tài Cẩn trong các lĩnh vực: Lý luận và phương pháp luận nghiên cứu Ngôn ngữ học và Việt ngữ học; Nghiên cứu Hán Nôm; Lịch sử và phương ngữ tiếng Việt; Về việc mô tả ngữ pháp tiếng Việt hiện đại. Các tham luận cụ thể gồm: Thảo luận một vài điểm trong giả thuyết của Nguyễn Tài Cẩn về các từ mượn Tai ở Vietic - GS. Mark Alves, Đại học Montgomery, Hoa Kỳ; Ngôn ngữ của cư dân nhà nước Chăm Pa trong lịch sử: phân tích nguồn gốc một vài địa danh thuộc vùng “Hoành Sơn - sông Gianh” ở Quảng Bình - GS.TS Trần Trí Dõi; Bước ngoặt trong tư tưởng của Nguyễn Tài Cẩn về thành tố trung tâm của danh ngữ - GS.TS Vũ Đức Nghiệu; Loại từ tiếng Việt dưới góc nhìn của lượng từ tiếng Hán” - GS.TS Lâm Minh Hoa, Đại học Ngoại ngữ Ngoại thương Quảng Đông, Trung Quốc; Nhìn lại vai trò của trật tự từ trong cấu trúc cú pháp tiếng Việt, từ góc độ của ngữ pháp chức năng hệ thống và ngữ pháp tri nhận - GS.TS Nguyễn Văn Hiệp; Suy nghĩ về việc đào tạo nhà nghiên cứu Hán Nôm nhân đọc lại bài viết năm 1978 của GS. Nguyễn Tài Cẩn - PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường.
 
Vài nét về tiểu sử GS.TS. NGND. Nguyễn Tài Cẩn

GS.TS. NGND. Nguyễn Tài Cẩn sinh ngày 2-5-1926 tại làng Thượng Thọ (nay thuộc xã Thanh Văn), huyện Thanh Chương, Nghệ An trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước. Thời niên thiếu, ông theo hoc Quốc học Vinh và Quốc học Huế.
Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia kháng chiến tại Nghệ An, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1949. Năm 1949, ông bắt đầu dạy học. Năm 1952, ông được bổ nhiệm làm Trợ lí đại học lớp đại học đầu tiên ở Liên khu Bốn.
Năm 1953-1954 là Trưởng phòng chuyên môn Khu giáo dục Liên khu Bốn. Từ năm 1955-1960, ông được Bộ Giáo dục Việt Nam cử làm chuyên gia Việt ngữ học đầu tiên tại Liên Xô (làm việc tại Đại học Tổng hợp Leningrad). Năm 1960, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Ngữ văn đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô về Ngôn ngữ học với đề tài Từ loại danh từ tiếng Việt.
Từ năm 1961-1971, ông làm Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1980, ông được phong hàm Giáo sư và trong các năm 1982, 1988-1990 là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Paris 7 (Pháp) và 1991 tại Đại học Cornell (Hoa Kì).
Trong hoạt động khoa học, GS. Nguyễn Tài Cẩn là một nhà Ngôn ngữ học am hiểu sâu sắc và có những đóng góp to lớn ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đối với việc nghiên cứu Việt ngữ học va Hán Nôm. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của ông về các phương diện đồng đại và lịch đại ở nhiều địa hạt (ngữ pháp, ngữ âm, từ nguyên, văn tự) của Việt ngữ học và Hán Nôm được các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đánh giá cao, như:
1.  Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại, NXB Khoa học Xã hội, 1975.
2.  Ngữ pháp tiếng Việt (Tiếng - Từ ghép - Đoản ngữ), NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1975, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội (tái bản nhiều lần).
3.  Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, NXB Khoa học xã hội, 1979, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội (tái bản nhiều lần).
4.  Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1985.
5. Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), NXB Giáo dục, 1995.
6. Ảnh hưởng Hán văn Lý Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, NXB Giáo dục, 1998.
7. Tìm hiểu kỹ xảo hồi văn liên hoàn trong bài "Vũ trung sơn thủy" của Thiệu Trị, NXB Thuận Hóa, 1998.
8. Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001. 
9. Tư liệu Truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị 1872, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
10. Tư liệu Truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiểu Oánh Mậu, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, NXB Văn học, 2004. 

  Năm 2000, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm 3 công trình:
  • Ngữ pháp tiếng Việt (Tiếng - Từ ghép - Đoản ngữ)
  • Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt
  • Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt
  Năm 2008, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. 

Tác giả: Thanh Hà, Ảnh: Trần Minh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây