Ngôn ngữ
Hơn 80 giảng viên tham gia khóa học đến từ Trường Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Luật - ĐHQGHN, Đại học Hải Phòng, Đại học Khoa học Kỹ thuật Hưng Yên và nhiều trường cấp III trên địa bàn Hà Nội.
Tiếng Anh như một phương tiện trong giảng dạy và nghiên cứu (EMI) là một chiến lược được áp dụng tại nhiều trường đại học nơi tiếng Anh là ngoại ngữ. Nó bắt nguồn từ các nước Châu Âu như Thụy Điển, Phần Lan, New Zealand vào đầu những năm 2000, sau đó lan rộng ra các nước Châu Á như Singapore, Hong Kong, Trung Quốc, Nhật Bản. Hiện nay, 24 trường đại học ở Việt Nam áp dụng EMI trong nhiều lĩnh vực, ngành học khác nhau.
Tại khóa tập huấn, các giảng viên được hướng dẫn thiết kế một khóa học EMI, từ khâu khảo sát về mục đích, trình độ, tiêu chí đầu ra của người học cho đến việc xây dựng khung chương trình và các module kiến thức. Các học viên được chia nhóm theo ngành học để thảo luận và trình bày nhóm.
Phải tới thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước, việc dạy các khóa học EMI ở các trường đại học Việt Nam mới được đầu tư, và cũng chỉ giới hạn trong một số cơ sở có mối liên kết quốc tế mạnh hay những ngành có tính quốc tế như ngoại ngữ. Nỗ lực tăng cường EMI ở Việt Nam vẫn còn nan giải, đặc biệt với KHXH&NV.
Trong ảnh là đại diện một nhóm thảo luân trình bày cách xây dựng khóa học EMI của nhóm mình trước giảng viên.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) chia sẻ thông tin về các khóa học EMI: EMI đã trở thành một chủ đề phổ biến trên thế giới, đặc biệt là tại Châu Á. Nhiều trường đại học đã công nhận EMI là một trong những công cụ thúc đẩy giáo dục đại học và hội nhập quốc tế. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Với Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội, trong 10 năm vừa qua đã có nỗ lực triển khai EMI, bắt đầu với ước mơ quốc tế hóa một số chương trình mà đòi hỏi nhiều tiếng Anh hơn (và các ngoại ngữ khác), sau đó là một số khóa học được dạy bằng tiếng Anh của các giảng viên khoa Quốc tế học, Đông phương học. Tới đầu năm 2018 đã có khoảng 50 giảng viên đủ khả năng giảng dạy các khóa học bằng tiếng Anh. Ngoài ra, Trường ĐHKHXH&NV đón tiếp khoảng 50 giáo sư thỉnh giảng mỗi kỳ tới dạy các khóa học chọn lọc cho sinh viên.
EMI được đánh giá là có tiềm năng ở Trường ĐHKHXH&NV khi mà có ngày càng nhiều cán bộ đủ khả năng đi học ở nước ngoài và số lượng sinh viên giỏi tiếng Anh cũng tương đối cao. Ngoài ra, các phụ huynh Việt Nam đang đầu tư tiếng Anh cho con trẻ từ khi còn nhỏ; nhưng nhiều người muốn con cái mình học các chương trình quốc tế trong nước, không phải ra nước ngoài. Do đó trong những năm gần đây, tiềm năng của các khóa học và chương trình EMI đã tăng.
Trong ảnh là một giảng viên của Khoa Đông phương học đại diện nhóm trình bày thiết kế khóa học EMI.
Các học viên tham gia khóa học đều chia sẻ những phản hồi tích cực về nội dung và ý nghĩa của khóa học.
Để đạt mục tiêu tăng cường EMI, các chuyên gia và các nhà quản lý cho rằng các trường đại học phải đầu tư hơn, có những chính sách mới để khuyến khích cán bộ tổ chức các khóa học EMI và khơi dậy sinh viên tham gia.
Trong hai năm qua, đã có một số quy định rải rác về các khóa học EMI tại Trường ĐHKHXH&NV, chẳng hạn như hệ số tăng thêm 1.7 với giảng viên, ưu tiên các học bổng quốc tế cho sinh viên EMI... Nhưng những chính sách này cần có tính toàn diện, hệ thống để thúc đẩy cơ chế EMI tại trường.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn