Ngôn ngữ
Hội thảo được tổ chức theo khuôn khổ biên bản hợp tác giữa Trường ĐHKHXH&NV và Đại học Nam Úc, với sự tài trợ của Hội đồng Úc-ASEAN. Mục đích nhằm thúc đẩy liên kết giữa các cơ sở đào tạo Úc-Việt trong giải quyết các thách thức về giáo dục đại học ở Việt Nam.
Tiếng Anh như một phương tiện trong giảng dạy và nghiên cứu (EMI) là một chiến lược được áp dụng tại nhiều trường đại học nơi tiếng Anh là ngoại ngữ. Nó bắt nguồn từ các nước Châu Âu như Thụy Điển, Phần Lan, New Zealand vào đầu những năm 2000, sau đó lan rộng ra các nước Châu Á như Singapore, Hong Kong, Trung Quốc, Nhật Bản. Hiện nay, 24 trường đại học ở Việt Nam áp dụng EMI trong nhiều lĩnh vực, ngành học khác nhau. Trong quá trình này, các giảng viên, sinh viên Việt Nam đã gặp nhiều thách thức liên quan tới năng lực ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy, học liệu và trang thiết bị. Chính vì vậy, hội thảo lần này là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, giảng viên chia sẻ các quan điểm, chính sách, kinh nghiệm EMI; qua đó xác định những hệ lụy với việc giảng dạy và nghiên cứu KHXH&NV tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) khẳng định, EMI đã trở thành một chủ đề phổ biến trên thế giới, đặc biệt là tại Châu Á. Nhiều trường đại học đã công nhận EMI là một trong những công cụ thúc đẩy giáo dục đại học và hội nhập quốc tế. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chẳng hạn, tháng 11/2018, EMI đã được trao đổi, thảo luận tại hội thảo “Nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển trong bối cảnh cách mạng 4.0 và những đáp ứng của giáo dục đại học Việt Nam” do ĐHQGTPHCM đồng tổ chức với Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế hiện nay, các trường đại học Việt Nam phải giải quyết nhiều vấn đề lớn, trong đó có ngoại ngữ. Do vậy, để tránh bị bỏ lại phía sau, họ cần xây dựng một mạng lưới hợp tác lâu dài và ổn định về EMI.
Sau phần khai mạc, hội thảo đã tiếp tục với các nội dung: “Chính sách và thực thi: Các chính sách EMI quốc gia và thể chế trong thực tiễn”, “Các chính sách EMI trong thực tiễn: Quan điểm của các giảng viên, nhà quản lý và sinh viên”, “Chương trình đào tạo và các chiến lược giảng dạy EMI trong thực tiễn”.
Các tham luận đề dẫn tại hội thảo:
Tham luận “EMI và quốc tế hóa giáo dục đại học” của PGS. TS Victoria Whitington (Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dục, Đại học Nam Úc) đã vạch ra những lợi ích, thách thức của EMI với các cơ sở giáo dục đại học, dựa trên những kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm của sinh viên tại Úc, Papua New Guinea và Singapore. Qua đó đề xuất một số định hướng chính sách vĩ mô và vi mô về EMI cho chính phủ các nước.
PGS. TS Victoria Whitington (Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dục, Đại học Nam Úc) trình bày tham luận đề dẫn
Tham luận “EMI tại các trường ĐHKHXH ở Việt Nam: Từ phát triển tới thực thi chính sách” của PGS. TS Vũ Thị Tú Anh (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam) chỉ ra những cơ hội và thách thức trong sử dụng EMI để xây dựng các chính sách dạy, học ngoại ngữ tại các trường ĐHKHXH. Từ đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tính toán kỹ các bước đi cần thiết của chính sách giáo dục dựa trên EMI.
Tham luận “EMI với KHXH&NV Việt Nam: Ước mơ – Thách thức – Triển vọng” của PGS. TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) chia sẻ những khó khăn, thách thức mà Nhà trường gặp phải trong thiết kế và giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh, đặc biệt là với các khoa học cơ bản như Triết học, Lịch sử, Văn học, Khoa học Chính trị. Từ đó, tham luận đề xuất những chính sách hệ thống để khuyến khích các giảng viên, sinh viên tham gia nhiều hơn vào các khóa học EMI.
Tham luận “EMI trong giáo dục đại học vào thế kỷ 21” của PGS. TS Kathleen Heugh (Giảng viên Trường Công nghiệp Sáng tạo, Đại học Nam Úc) làm rõ tầm quan trọng của năng lực song ngữ/đa ngữ trước nhu cầu quốc tế hóa giáo dục đại học ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Qua đó chỉ ra nhu cầu kết hợp giữa việc nâng cao năng lực Anh ngữ với năng lực bản ngữ, khu vực ngữ cho sinh viên đại học.
Các đại diện của Đại học Nam Úc, từ trái sang phải: TS. David Caldwell (Trường Giáo dục), PGS. TS Kathleen Heugh (Trường Công nghiệp sáng tạo), TS. Jenny Barnett (Trường Giáo dục)
Tham luận “Đào tạo giáo viên EMI tại Việt Nam: Các vấn đề lý luận và thực tiễn” của TS. Vũ Thị Thanh Nhã (Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN) chỉ ra những vấn đề trong đào tạo giáo viên EMI như việc xác định các tiêu chí năng lực; điều chỉnh mục tiêu đào tạo sao cho phù hợp với từng bối cảnh, chính sách và chiến lược EMI. Tham luận được dựa trên một nghiên cứu trường hợp với 58 học viên sau đại học về phương pháp luận EMI tại một trường đại học công ở Việt Nam.
Tham luận “Giáo dục theo thể loại: Các hệ lụy với EMI” của TS. David Caldwell (Giảng viên Trường Giáo dục, Đại học Nam Úc) trình bày tổng quan về phương pháp giáo dục theo thể loại (genre pedagogy), trong đó nhấn mạnh tới vai trò của nó với xây dựng văn bản viết. Tham luận cũng làm rõ tầm quan trọng của phương pháp này trong trau dồi kỹ năng viết của sinh viên EMI.
Sau hội thảo, khóa tập huấn với chủ đề “Thiết kế khóa học cho EMI” sẽ diễn ra vào ngày 15/12 với hai nội dung chính: “Các lựa chọn sư phạm dành cho giáo viên EMI” với các hoạt động thuyết trình tương tác và làm việc theo cặp; “Xây dựng và chứng minh các lựa chọn sư phạm cho chương trình đào tạo EMI” với các hoạt động nhóm, báo cáo và thảo luận theo nhóm.
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn