Ngôn ngữ
Trước sự hội nhập kỹ thuật trong thế kỷ 21, thế giới đứng trước nhiều thay đổi lớn. Các phát minh như điện toán di động và Mạng lưới vạn vật Internet (IOT) đã thiết lập giao diện đa lớp giữa cá nhân và thế giới. Chính vì vậy, ngành Nhân học cũng phải từ bỏ những góc nhìn được đưa ra từ thời kỳ trước, vốn dựa vào các cách phân loại mang tính chủ quan của tư duy thực dân. Nhân học phải tiếp nhận những quan điểm, hướng tiếp cận có tính tăng quyền, cộng tác hơn của giai đoạn giải-thực dân. Việc thực hành nhân học phải trở nên toàn diện hơn, các công trình tăng tính xã hội hơn. Trong nền nhân học mới này, các nhà nghiên cứu hướng đến việc áp dụng các công cụ, phương pháp luận kĩ thuật số nhằm tạo ra các dự án cộng đồng có tính toàn diện, tính tham gia và tăng quyền.
Trong bối cảnh trên, Hội thảo "Nhân học số ở Việt Nam: Xu hướng, Tiềm năng và Triển vọng" được tổ chức nhằm đánh giá khả năng đáp ứng sự phát triển số của Nhân học Việt Nam. Cụ thể, hội thảo tập trung làm rõ các vấn đề:
Tình hình thực hành Nhân học ở Việt Nam trước sự xuất hiện của các khả năng số mới
Các vấn đề cốt lõi trong thực hành nhân học có tính tham gia ở Việt Nam trong sự chuyển hướng sang nhân học kỹ thuật số
Các vấn đề lý thuyết và thực tiễn trong phát triển nhân học số có tính cộng tác ở Việt Nam
Các hướng tiếp cận liên ngành mới và các chủ đề sáng tạo nhằm thúc đẩy Nhân học số đa sắc thái ở Việt Nam
Các công cụ và phương pháp số hiện hành để tạo thay đổi trong ngành Nhân học trong bối cảnh toàn cầu hóa
Thay mặt Trường ĐHKHXH&NV, GS. TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Nhà trường) phát biểu khai mạc hội thảo.
Ở góc độ hợp tác quốc tế, Hiệu trưởng đánh giá cao ý nghĩa hội thảo và cho rằng, sự kiện này là một chỉ dấu của chiến lược quốc tế hóa mà Nhà trường đang triển khai. Tại hội thảo có sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu quốc tế từ Đại học RMIT nói riêng và nước Úc nói chung. Điều này tạo nên không khí hội nhập cho hội thảo.
Ở góc độ khoa học, Khoa Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV nói riêng và nhân học Việt Nam nói chung đã tạo bước ngoặt lịch sử khi tiếp cận một vấn đề mới như nhân học số. Với khởi đầu là dân tộc học rồi tới nhân học thông thường, để bắt nhịp với thời đại số, nhân học Việt Nam đã chuyển mình theo xu hướng đó.
Ở góc độ công nghệ, kỹ thuật số đem lại cả các cơ hội và thách thức cho các nhà nghiên cứu nhân học. Công nghệ số góp phần mở rộng không gian nghiên cứu, với nhiều nguồn tài liệu phong phú. Mặt khác, nó tạo ra khó khăn trong bảo quản những thông tin có tính mật và riêng tư; làm nảy sinh những vướng mắc về đạo đức nghiên cứu. Do đó, các nhà nghiên cứu nhân học tại Việt Nam cần dự báo và ứng xử phù hợp với những điểm mạnh, điểm yếu của công nghệ số.
Sau phần khai mạc, hội thảo được chia làm 3 phiên với 11 báo cáo:
Phiên 1: “Các nghiên cứu lý thuyết” với các tham luận: “Nhân học số ở Việt Nam, từ lý thuyết đến thực hành”, “Một chế độ nhận biết khác biệt cho Nhân học số đa sắc thái ở Việt Nam – Nắm bắt thế giới thông qua tăng quyền cá nhân”, “Đột phá trong KHXH&NV ở Việt Nam bằng Nhân học số”, “Hướng tới một chỉ số về bao trùm kỹ thuật số”, “Ứng dụng nhân học số trong nghiên cứu thiên tai vùng tộc người thiểu số”.
Phiên 2: “Xu hướng” với các tham luận: “Xa điện thoại không ở được đâu: Trải nghiệm của thanh niên dân tộc thiểu số về cộng đồng online”, “Tri thức, truyền thông mạng và sự lan tỏa các trào lưu xã hội ở Việt Nam”, “Sự tăng quyền thông qua kỹ thuật số cho các nhóm yếu thế về mặt xã hội và văn hóa trong du lịch vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam”.
Phiên 3: “Tiềm năng và triển vọng” với các tham luận: “Tiềm năng nhân học số ở Lào Cai”, “Đánh giá ưu và nhược điểm của một số phương thức số hóa trong bảo tàng”, “Nhân học số và ảnh hưởng của nó trong lĩnh vực bảo tàng học: Trường hợp Bảo tàng Dân tộc học ở Việt Nam”.
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn