Ngôn ngữ
Hội thảo "Tác động của việc gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới - WTO - đối với thị trường tài chính Việt Nam" do Trường ĐHKHXH&NV và Viện Konrad Adenauer (CHLB Đức) tổ chức ngày 26/9/2008.
Hội thảo "Tác động của việc gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới - WTO - đối với thị trường tài chính Việt Nam" do Trường ĐHKHXH&NV và Viện Konrad Adenauer (CHLB Đức) tổ chức ngày 26/9/2008.
Tham dự hội thảo là các chuyên gia về kinh tế đến từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Học viện Hành chính Quốc gia, Đại học Quốc gia Hà Nội, viện KAS và một số doanh nghiệp Việt Nam. Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam - ngài Rolf Shulze đã tham dự và phát biểu tại hội thảo.
Các báo cáo tại hội thảo tập trung bàn về những chuyển biến tích cực và cả tiêu cực của thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh gia nhập WTO, trên cơ sở đó dự báo những biến động lớn và đề xuất những giải pháp từ phía những chính sách quản lí vĩ mô của nhà nước cũng như từ phía các doanh nghiệp.
Từ góc độ vĩ mô, trong tham luận “Tác động của việc gia nhập WTO đối với thị trường tài chính”, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) nhận định: Hội nhập kinh tế làm gia tăng các yếu tố thị trường trong giao dịch trên thị trường tài chính, qua đó thúc đẩy sự vận động của nền kinh tế theo hướng gia tăng, tạo sự phản ứng nhanh nhạy hơn của các định chế tài chính, làm tăng tính cạnh tranh, sự đa dạng và phức tạp của thị trường tài chính. Hội nhập cũng làm thay đổi vị thế tài chính của doanh nghiệp và hộ gia đình, làm thay đổi cách ứng xử của họ trước những thay đổi của thị trường tài chính. Bên cạnh đó, những yếu tố rủi ro trên thị trường ngày càng gia tăng khi hội nhập. Điều nảy ảnh hưởng sâu rộng đến điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ cũng như cơ chế tác động của nó đến nền kinh tế.
Từ góc độ các doanh nghiệp, trong tham luận “Tác động của việc gia nhập WTO đối với thị trường tài chính Việt Nam - góc nhìn vĩ mô và vi mô”, TS. Đoàn Duy Khương (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng doanh nghiệp hiện nay đang phải đối phó với rất nhiều khó khăn trong kinh doanh như: việc tăng giá chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh, chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, rủi ro về tỉ giá trong giao dịch... Do đó, quan tâm giải quyết tốt các vấn đề ở tầm vĩ mô cũng như triển khai các cơ chế, chính sách cụ thể đối với các doanh nghiệp sẽ tạo nền tảng vững chắc để xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp mạnh.
Bên cạnh đó, một số báo cáo của các đại biểu khác lại đi sâu phân tích những tác động của việc gia nhập WTO đến thị trường tài chính Việt Nam ở những góc độ và những lĩnh vực riêng như: vai trò của quản trị doanh nghiệp hiện đại hướng tới tiêu chí quản trị minh bạch và chuyên nghiệp; tự do hoá lãi suất như một nhu cầu tất yếu và vai trò điều tiết của nhà nước; đổi mới tổ chức, cơ cấu và hoạt động của các ngân hàng nhà nước hướng tới nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh trên thị trường; thực trạng cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước như là một nhu cầu tất yếu nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện; bàn về một số vấn đề pháp lí cơ bản về giao dịch phái sinh phi tập trung; hoạt động của các quỹ đầu tư và vai trò của nó đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay...
Tác giả: i333
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn